Những điều cần biết về tẩy tế bào chết cho người mới bắt đầu

Chọn loại rửa mặt làm sạch mạnh thì lại khiến da khô căng, khó chịu nhưng những loại nhẹ dịu thì không đủ để giải quyết những tên mụn ẩn, mụn đầu đen hay nốt sần trên da. Thay vì mãi suy tính thiệt hơn nên chọn loại sữa rửa mặt nào, tại sao bạn không thử thêm vào routine sản phẩm tẩy tế bào chết? Không chỉ mụn, da sần sùi mà hầu hết các vấn đề khác như skincare kém hiệu quả, da tối màu đều đến từ thói quen không tẩy tế bào chết thường xuyên. Những năm gần đây, các sản phẩm tẩy tế bào chết xuất hiện trên thị trường với vô vàn mẫu mã và chủng loại đa dạng. Điều này cho phép bạn có nhiều sự lựa chọn hơn cho mình và tất cả mọi loại da đều có thể tẩy tế bào chết một cách nhẹ dịu, thoải mái nhất. Tuy nhiên, mặt tích cực này chỉ đúng nếu bạn hiểu rõ được làn da của mình phù hợp với loại tẩy tế bào chết nào. Nếu tâm lý và kiến thức không vững, bạn sẽ dễ dàng bị “rối não” và đưa ra quyết định sai lầm, thậm chí là không thể cứu vãn được cho làn da. Để da không “chết” vì tẩy tế bào chết, hãy cùng G.G.G điểm qua một số điều cần lưu ý trước khi bắt đầu hành trình này nhé: 

 

Tại sao phải tẩy tế bào chết? 

Tẩy da chết là một phần quan trọng trong quá trình chăm sóc da vì nó loại bỏ các tế bào sừng, hay còn gọi nôm na là da chết trên bề mặt. Sự xuất hiện của tế bào da chết là 100% bình thường vì nó là một phần kết quả trong quá trình da tự thay mới - khi có tế bào da mới được sinh ra, một tế bào trước đó sẽ “chết” và bị bong ra trên bề mặt để nhường chỗ cho “hậu bối”. Tế bào chết sẽ tích tụ theo thời gian. Lúc đầu chúng sẽ gần như vô hại cho đến khi lớp tế bào sừng đó không được dọn dẹp và trở nên quá dày trên da và làm da bong tróc, sần sùi, xỉn màu và thậm chí bít lỗ chân lông gây mụn.

 

Tại sao phải tách biệt rửa mặt và tẩy tế bào chết?

Sữa rửa mặt được bào chế để duy trì độ dịu nhẹ cho làn da, không rửa trôi đi hết màng ẩm hay lớp bảo vệ lipid trên da nhưng đảm bảo loại bỏ được bã nhờn, bụi bẩn và các vi khuẩn thông thường trên da. Vì thế, sữa rửa mặt chỉ chứa các thành phần chuyên loại bỏ các chất ô nhiễm và hóa chất mà lỗ chân lông trên da. Những hoạt chất ấy đi sâu vào lỗ chân lông của bạn để kéo bụi bẩn, dầu thừa,... ra ngoài để được dễ dàng rửa trôi bằng nước. Nhưng nó không có tác dụng nhiều trong việc loại bỏ tế bào da chết nằm ở ngoài bề mặt da hoặc loại bỏ các mảng da chết thô ráp đang “ẩn nấp” ở những nơi khác bên ngoài tuyến bã nhờn

Các sản phẩm tẩy da chết có thể loại bỏ các cặn bẩn kích thước to mà một sản phẩm làm sạch có thể không phải đảm đương nổi. Đó là bởi vì các sản phẩm tẩy da chết thường có các thành phần “khắc nghiệt” hơn: sở hữu hoạt tính tẩy mạnh hơn như axit salicylic, glycolic, AHA, BHA,... hoặc trực tiếp thêm vào các yếu tố gia tăng tính tây vật lý để làm các mảng da chết được bong tróc ra như hạt jojoba, muối biển,... 

 

Bạn nên chọn tẩy tế bào chết vật lý hay hoá học?

Nếu bạn chưa quen với việc tẩy da chết, sự lựa chọn tốt hơn là tẩy da chết vật lý. Vì da bạn có một lượng lớn tế bào chết cần được xử lý nên cách hiệu quả và nhanh chóng nhất là mượn lực của những hạt muối, jojoba,... để đẩy hết chúng ra khỏi da của bạn. Sản phẩm tẩy tế bào chết vật lý chỉ tác động lên lớp da trên cùng và là một lựa chọn tuyệt vời khi bạn lần đầu tẩy tế bào chết và cần thấy hiệu quả tức thì sau vài lần sử dụng. Tuy nhiên, giải pháp này có thể hơi khắc nghiệt đối với một số loại da, và tuỳ vào tính chất của hạt mà một số sản phẩm tẩy vật lý sẽ có xu hướng gây tổn thương nhiều hơn những loại còn lại. Nếu bạn cần một giải pháp nhanh chóng cho làn da xỉn màu, khô sàn và bong tróc chứ và, hãy chọn tẩy tế bào chết vật lý. Trong trường hợp này, một công cụ tẩy tế bào chết cơ học thường hiệu quả hơn là dựa vào tỷ lệ phần trăm axit cao để phá vỡ sự tích tụ tế bào. Nhưng nếu bạn sở hữu làn da nhạy cảm và dễ kích ứng, hãy cân nhắc thêm nhé.

Phương án hai là tẩy da chết hóa học: một phương pháp khác để loại bỏ tế bào da chết nhẹ nhàng nhưng tác động sâu hơn vào lớp da bên dưới n so với tẩy da chết vật lý. Tẩy da chết hóa học thường sử dụng Alpha Hydroxy Acids (AHAs), Beta Hydroxy Acids (BHA), hoặc các enzyme trái cây có khả năng thẩm thấu sâu vào da. Nhờ độ pH thấp, chúng có khả năng len lõi vào tầng da bên dưới và cắt đứt hoặc nới lỏng liên kết giữa các tế bào bằng cách trực tiếp tham gia vào phản ứng thủy phân (nếu đó là một axit) hoặc làm chất xúc tác cho phản ứng đó  (nếu sản phẩm chứa enzyme). Một khi các liên kết bị phá vỡ, các tế bào biểu bì đã chết sẽ dần bong ra để được rửa trôi hoàn toàn. Cơ chế hoạt động cụ thể của mỗi loại acid cũng sẽ khác nhau, dẫn đến hiệu quả sử dụng khác nhau. Chẳng hạn như  AHA hòa tan trong nước, giúp nhẹ nhàng nới lỏng các lớp ngoài cùng của da và tạo ra hiệu ứng “bong tróc” - giúp làm mờ các đốm sắc tố và thậm chí làm mất những mảng sần sùi hoặc gồ ghề. Axit mandelic thí lại như một “anh hùng thầm lặng” vì nó có kích thước phân tử lớn hơn các loại acid khác nên nó không hấp thụ quá nhanh và trở thành “chân ái” cho làn da nhạy cảm. Đối với da trưởng thành và cần sản phẩm tẩy mạnh hơn, axit glycolic, với trọng lượng phân tử nhỏ nhất trong tất cả các loại AHA, thâm nhập sâu nhất vào da và kích thích tăng sinh collagen mới bên cạnh việc cải thiện kết cấu và làn da. Một dòng axit nổi bật khác bên cạnh AHA là axit beta-hydroxy (BHA) tan trong dầu và đi sâu vào lỗ chân lông hơn AHA để làm sạch cặn bã và bã nhờn dư thừa. Axit azelaic, với khối lượng phân tử cao, giúp tiêu diệt vi khuẩn một cách mạnh mẽ đồng thời làm giảm mẩn đỏ và sưng tấy nên thường được lựa chọn cho da gặp trăn trở về mụn viêm, mụn trứng cá,... Axit salicylic là một thành viên nổi tiếng trong dòng BHA với biệt hiệu “kình địch da mụn”. Loại axit này thâm nhập sâu vào lỗ chân lông để ngăn chặn mọi sự tắc nghẽn, từ tắc nghẽn do dầu thừa đến tắc nghẽn do tế bào chết, làm đều màu da và làm mịn bề mặt. Nhìn chung thì, mặc dù bạn có thể không thấy sự khác biệt ngay lập tức khi chọn tẩy tế bào chết hoá học nhưng phương pháp này sẽ âm thầm kích thích da liên tục sản xuất và duy trì được làn da sáng liên tục, thay vì chỉ trong vài ngày như tẩy vật lý. 

 

Những điều cần lưu ý khi tẩy tế bào chết

Mặc dù nghe về hiệu quả sáng da tức thì sau khi tẩy tế bào chết khiến ai cũng muốn sở hữu ngay một sản phẩm trong routine, nhưng chớ vội vàng để rồi quàng phải ao. Da sau khi tẩy sẽ cực kì nhạy cảm mà nếu không được bảo vệ đúng cách và kịp thời sẽ để lại những hậu quả không thể cứu vãn. Tuỳ theo tình trạng da mà bạn sẽ cần bảo vệ nhiều hơn, nhưng về cơ bản, đây là những quy tắc tối thiểu bạn cần tập để phục hồi da sau khi tẩy tế bào chết: 

  1. Cấp ẩm để da được cấp cứu. Kết hợp một sản phẩm axit hyaluronic hoặc beta-glucan nồng độ cao có thể đẩy nhanh tốc độ chữa lành vết thương cho da sau khi tẩy tế bào chết và cấp ẩm cho da, hình thành lớp khiên mỏng bằng nước để bảo vệ những tế bào mới của da.  Đương nhiên, do bạn cần cấp ẩm ngay liền tù tì sau khi tẩy tế bào chết nên hãy chọn những sản phẩm ở dạng serum hoặc tốt hơn là ampoule để thấm lẹ hơn vào da nhưng không cản trở sự thẩm thấu của các sản phẩm skincare ở bước sau. Tuy nhiên, dù đã cấp ẩm cho da nhưng bạn cũng đừng quên kem dưỡng ở bước sau cùng để hỗ trợ tăng cường, sửa chữa hàng rào độ ẩm cũng như khóa lại tất cả dưỡng chất bạn đã “đắp” lên da trước đó.

  2. Thoa kem chống nắng và bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời. Thực tế thì thói quen này bạn cũng nên có dù có đang tẩy tế bào chết hay không. Vì tia UV gây hại không chừa một loại da nào cả, chúng cực độc cho da sau khi tẩy tế bào chết không có nghĩa là chúng vô hại cho da vào những ngày bình thường. Tẩy tế bào chết xong mà không bảo vệ khi đi nắng sẽ tăng nguy cơ da bị thâm nám vĩnh viễn đấy.

  3. Hạn chế sử dụng cùng lúc với những sản phẩm treatment nồng độ cao khác. Nếu bạn đủ tự tin về sức chịu đựng của làn da bản thân hoặc đã tẩy tế bào chết được một thời gian thì hoàn toàn có thể vừa tẩy tế bào chết vừa treatment. Nhưng cho những người mới bắt đầu, hãy hạn chế khiến da bị “ngộ độc” bởi một loạt các hoá chất mạnh một lúc. Đừng tham quá vì da sẽ thâm đấy. Đi từng bước nhỏ để da kịp thích ứng mới là chiến lược khôn ngoan và lâu dài hơn.

Dù chọn tẩy tế bào chết vật lý hay hoá học, hãy bắt đầu thêm ngay một sản phẩm tẩy tế bào chết yêu thích vào routine hè năm nay nhé. Dù da dầu hay khô, mụn hay lão hoá, … tất cả đều sẽ được hưởng lợi nhất định từ thói quen này đấy. Hi vọng bài viết này đã giúp bạn có cái nhìn tổng quát hơn về tẩy tế bào chết và định hình được những điều cần chuẩn bị cho bản thân. Nếu bạn cần tư vấn chuyên sâu hơn về tẩy tế bào chết hay cách chăm sóc da sau khi tẩy tế bào chết, hãy inbox ngay cho G.G.G để được giải đáp liền tay nhé.


Nguồn: Tổng hợp